Tin tức - ĐI TÌM NGUỒN CỘI DÒNG HỌ

ĐI TÌM NGUỒN CỘI DÒNG HỌ
Tìm về nguồn cội dòng họ Trần Như, thủy tổ chi Phúc Hoằng tại Bình Lục, Hà Nam

TÌM L Ạ I C Ộ I NGU Ồ N

 

Thuở nước non đắm chìm bão lửa
Năm mươi con theo cha ra khơi
Cha Lạc Long lòng đau quặn thắt
Nhìn đàn con thất tán muôn nơi.

Sóng ngàn khơi chân trời rộng mở
Đàn con thơ lạc đến vô bờ
Vũ trụ bao la – lòng trống vắng
Tinh túy càn khôn một chữ vô.

Năm mươi con theo mẹ lên non
Hẹn cùng cha hai chữ vuông tròn
Thông trời đất tình sâu nghĩa nặng
Động Đình Hồ một lòng sắt son.

Biển sâu thăm thẳm áng mây trôi
Nước xanh trong non cao vời vợi
Đàn con nhớ mẹ đau lòng đất
Tình mẹ thương con chất ngất trời.

Mẹ Âu Cơ ngóng đợi đàn con
Đàn con yêu tìm lại cội nguồn
Chắp cánh bay tìm về tổ Lạc
Đem trí nhân dập lửa bạo tàn.

Năm mươi con từ nơi biển ngoài
Về quê mẹ góp sức dựng xây
Sách ước xưa đưa đường dẫn lối
Lời kinh vô tự vẳng đâu đây.

Năm mươi, năm mươi cùng hợp nhứt
Bọc trăm con rạng giống Tiên Rồng
Bốn biển năm châu vừng Thái cực
Muôn năm nước Việt rực trời Đông.

3/99
Lưu Nguyễn Từ Thức

 

Day dứt về nguồn cội luôn nằm trong tâm thức của mỗi con người, câu hỏi ám ảnh: “Ta là ai? Ta từ đâu tới?” thôi thúc mỗi chúng ta tìm về nguồn cội của chính mình.

Tôi may mắn vì hành trình tìm nguồn cội của tôi không gian nan như những người con khác. Qua nhiều năm tháng sống chung với Ba tôi, Mẹ tôi đã chắp nhặt được từ những câu chuyện của những người Anh, Chị, Em nhà chồng, những người bạn, người đồng nghiệp, đồng chí của Ba tôi để kể lại cho chúng tôi nghe về nguồn cội của mình.

Cụ Nội tôi, cụ Trần Như Trung lập gia đình và sinh được 2 người con, Ông Bác Trần Như Minh và Ông Nội tôi, Trần Như Đức tại quê nhà Bình Lục, Hà Nam. Chẳng bao lâu sau, Cụ Bà nội tôi lâm bệnh mất sớm để lại cảnh gà trống nuôi con. Với mong muốn cho con ăn học thành người Cụ nội tôi đã gạt nước mắt rời xa quê nhà, khăn gói mang hai con lên Hà Nội. Không ai biết được, sự ra đi ấy là mãi mãi, là một cuộc di cư vĩnh viễn. Thuê được căn nhà ở Ngõ Gạch, Cụ Nội tôi nhận may áo bằng những đường khâu tay để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Khâu tay như thế, đặc biệt đối với một người đàn ông quê mùa, không thể mang lại cuộc sống dư dả, đầy đủ cho cả 2 con, người anh thương em, thương cha, nhường em đi học để ở nhà phụ cha kiếm sống. Thế là Ông Nội tôi trở thành niềm hy vọng còn lại của Cụ.

Ông Bác Trần Như Minh sau đó đi lính thủy Hải quân Pháp tham gia chiến tranh thế giới thứ 2. Năm 1919, Ông đã có mặt trên chiến hạm lịch sử Paris thuộc hạm đội Pháp-Anh và một số nước khác có mặt trên biển Hắc Hải, bao vây cảng Odessa của Nga. Cùng trên chiếm hạm đó, trong số các lính thủy người Việt Nam có Ông Tôn Đức Thắng, một người lính thủy trẻ tuổi đã giác ngộ những người lính cùng chiến hạm dần dần nhận ra người dân mất nước xứ nào cũng đều nghèo đói khổ cực như nhau, còn bọn thực dân cướp nước ở châu Á, châu Phi đều là kẻ cai trị tàn bạo, nhấn chìm trong biển máu những người yêu nước khởi nghĩa chống lại ách thống trị của chúng. Và một chuyện động trời đã được ghi lại trong sử sách về chiến hạm ấy, khi Tôn Đức Thắng, người sau này là Chủ tịch nước Việt Nam DCCH sau Hồ Chù tịch từ năm 1969-1980 khi ông mất, đã leo nhanh lên treo lá cờ đỏ trên cột cờ cao nhất của chiến hạm trong tiếng reo hò của binh lính thủy thủ tham gia khởi nghĩa chống lại sự can thiệp của bọn đế quốc vào nước Nga cách mạng non trẻ. Tin khởi nghĩa của lính thủy chiến hạm Paris lan nhanh ra khắp mặt trận, khiến bọn chỉ huy can thiệp lo sợ, chúng vội vàng rút hết hạm đội ra khỏi vùng biển nước Nga. Cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và người lính thủy trẻ Tôn Đức Thắng được coi như là một biểu tượng tốt đẹp nhất về tình đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt - Nga. Ông Bác Trần Như Minh của tôi đã là một trong những người châu Á đầu tiên đứng lên bảo vệ Cách mạng Tháng 10 và Nhà nước Cách Mạng Nga như thế. Sau đó, Ông đã bị loại khỏi quân ngũ do tham gia khởi nghĩa, ông trở về nước, hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, có thời gian tại Hương Cảng (TQ).

Lại nói về Cụ Nội tôi ở Ngõ Gạch, Hà Nội khi con trai lớn đã đi lính, người con trai út (chính là Ông Nội tôi, Ông Trần Như Đức) học xong làm một viên chức cho Pháp trong ngành bưu điện mà thời đó gọi là “dây thép”. Do không tuân thủ cấp trên, ông bị đày từ Hà Nội dời tới Cao Bằng mang theo cha, tiếp tục làm viên chức ngành bưu điện.

Mang theo cha già lên sinh sống tại Cao Bằng, Ông Nội tôi kết hôn với Bà Nội tôi, Bà Hoàng Thị Hoa, sinh ra các Bác tôi là Trần Như Nhung (nữ, mất sớm năm 7 tuổi do bị bệnh), Bác Trần Như Tân, Bác Trần Như Khoa, Trần Như Vinh, Trần Như Bình và Trần Như Nguyệt (nữ). Sau đó, Cụ nội tôi mất tại Cao Bằng. Tôi tin rằng khi mất, Cụ đã thật yên lòng vì khi đó, Ông Bác Trần Như Minh của tôi, sau sự kiện chiến hạm Paris, cũng đã về đoàn tụ cùng cha và em, lấy vợ và sinh ra các con là Ông Trần Như Khang (con là Anh Trần Như Báo và Trần Như ….., Bà Trần Thị Khánh (Cao Bằng), Bà Trần Thị Thọ (Sơn Tây, HN) và Bà Trần Thị An (Côn Sơn).

Đến khoảng năm 1930, một lần nữa do bất đồng với cấp trên, Ông Nội tôi lại bị điều chuyển sang Mường Ca Xỉ, Lào (một trong 3 nước Đông Dương dưới thời Pháp thuộc). Đây là dấu mốc của một cuộc ly tán.

Hai người con trai lớn và người con trai thứ 4 không chịu theo cha mẹ sang Lào, xin ở lại cùng Cụ bà ngoại. Ông Bà nội tôi lúc đó cũng tính chỉ xa quê trong khoảng thời gian vài năm nên đồng ý để các con ở lại, chỉ mang theo sang Lào bác Vinh và bác Nguyệt tôi. Sang tới Lào, Bà Nội tôi sinh thêm Ba tôi (Trần Như Lục) năm 1931 và những người em của Ba, cô Trần Thị Nga 1934, chú Trần Như Ngọc 1936, chú Trần Như Ngà 1938 và cô Trần Thị Ngạn 1941 (mất sớm năm 2 tuổi).

Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, ngày 12 tháng 10 năm 1945, Lào tuyên bố độc lập. Đầu năm 1946, Pháp quay trở lại xâm lược Lào. Trong bối cảnh đó, gia đình Ông Nội tôi đã tản cư sang Thái Lan, tới Noọng Khai sinh sống, thuê thợ lập xưởng dệt. Rời khỏi Lào, Ông Bà nội tôi đã không thể mang theo bác Trần Như Vinh, người con trai thứ 3, bác đã xin ông bà cho ở lại để đáp trả tình yêu sâu sắc của một người con gái Lào.

Tại xưởng dệt ở Thái Lan, gia đình tôi đã sống cuộc sống lưu vong như thế tiếp thêm 15 năm trước khi trở về Việt Nam. Bác Nguyệt tôi được ông bà gả cho bác Sương, sau năm 1960 về sinh sống tại Hải phòng, sinh được 7 người con là Chị Hằng, anh Hùng, Chị Thu, Chị Hà, chị Thu, anh Thế Anh, anh Hanh. Cô Nga kết hôn với Chú Trạch, một người con của dòng họ Nguyễn Bửu, Huế sinh được 6 người con: Hùng, Hòa, Hiển, Hải, Yến, Hưng.

Năm 1960, khi ông bà tôi theo dòng Việt kiều Thái Lan về nước, sinh sống tại Bắc Giang, ông tôi tiếp tục công tác tại bưu điện Bắc Giang. Gia đình cô chú Nga – Trạch cũng sống tại đây cho đến năm 1980 thì vào Huế theo sự phân công của dòng họ để trông nom phần mộ, gia điền và nhà thờ tổ tiên họ Nguyễn Bửu.

Chú Trần Như Ngọc về nước công tác trong ngành xây dựng tại Bắc Giang, kết hôn với Thím Liên, sinh được 3 người con là Tuấn (hiện nay ở Bắc Giang), Cương (Đà Lạt) và Tuyết (Tp. HCM). Nay chú ở Đà Lạt.

Chú Trần Như Ngà vào bộ đội, đóng quân tại Phú Thọ kết hôn với Thím Lan sinh được hai em là Mỹ và Lâm. Chú hy sinh sớm, thím đi bước nữa, hai em đã lớn, từng đến thăm họ hàng cô bác nhưng nay không biết đang sinh sống ở đâu, chúng tôi mong tìm gặp các em.

Ba tôi, năm 1948,  khi gia đình đang sinh sống yên ổn tại Thái Lan, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã tham gia Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào, hoạt động tại phía Tây khu vực biên giới Lào - Việt Nam để xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng miền hạ Lào.

Tuổi thơ của Ba tôi hiện về trong nhưng câu chuyện kể hàng đêm ru chị em tôi ngủ là những năm tháng êm đềm, yên ả bên những người bạn Lào hiền hậu, chất phác và sự ưu đãi rộng lượng của thiên nhiên. Ba tôi vẫn kể về nhưng dòng sông, con suối trên đất Lào nơi người ta có thể dễ dàng tay không bắt tôm, cá, cua, ốc, những cánh rừng nơi Ba và các chú bác thường đi săn; Rồi những tập quán khác biệt của người Lào khi cưới vợ, người con trai phải ở rể 1 năm, nuôi cả nhà gia đình cô gái rồi mới được ra ở riêng, những người con gái Lào được cưng chiều gần như chẳng bao giờ phải làm việc hay tham gia chính vào các hoạt động săn bắt, sản xuất …; Trong những câu chuyện của Ba, chúng tôi còn được nghe về Đạo Phật và sự tôn kính của người dân Lào, với những tập tục đẹp khi người dân sẵn sàng mang những đồ nông, thổ sản mình có được kính dâng lên chùa, nhà chùa hoạt động dựa vào sự tự nguyện từ thiện của người dân như thế và cưu mang nhưng cuộc đời bất hạnh, vì vậy, ai ai cũng mang đồ góp tới chùa và khi gặp nạn ai ai cũng tới nhà chùa tìm nơi nương náu.

Sau những dòng hồi ức về tuổi thơ ấy là hồi ức về những năm tháng chiến tranh của hai cuộc chiến tranh máu lửa mà Ba tôi đã từng có mặt, những vết thương trên người, mảnh đạn còn găm trên đầu và những cơn sốt rét đến giờ vẫn còn là những minh chứng sống của sự khốc liệt đó. Giải ngũ, Ba tôi làm việc tại Công ty Xây lắp Gang thép Thái Nguyên. Ba cưới mẹ tôi, người con gái quê gốc Bắc Giang năm 1976 ở cái tuổi chớm ngũ tuần, và chỉ 3 năm sau thì Ba về hưu. Chúng tôi, tôi và Em Cường được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương, chắt chiu của Mẹ, và giữa những cung bậc tình cảm thất thường của Ba. Về những người con ở lại Việt Nam trong cuộc ly tán năm 1930 của gia đình tôi, Bác Trần Như Tân và Bác Trần Như Vinh cũng đã vào bộ đội rồi không còn tin tức gì nữa.

Bác Trần Như Bình, người con trai thứ 4 ở lại Cao Bằng, sau đó lập nghiệp sinh sống tại Thái Nguyên, sinh được 3 người con là Anh Liễu, Anh Lân và Anh Long. Ba tôi đã tìm được Bác Bình và gia đình Bác khi ông làm việc tại Công ty Xây lắp Gang thép Thái Nguyên.

Bác Trần Như Vinh, người con trai thứ 3 của ông bà nội tôi, người xin được ở lại Lào khi gia đình tản cư sang Thái Lan đã sinh sống và mất chính trên đất nước này. Khi chồng tôi sang công tác tại Lào, anh đã liên hệ được với con trai cả của bác là Anh Trần Như Uộn và hiện tại gia đình chúng tôi vẫn giữ được liên lạc với anh bằng những bức thư và vài gói quà bánh chuyển sang mỗi khi có người qua bên đó.

Ông tôi mất trước, Bà tôi sống với chúng tôi sau đó chuyển tới sống với Bác Nguyệt – Bác Sương ở Hải phòng, bà mất năm 1983 hưởng thọ 85 tuổi.

Trong giấy tờ tùy thân của mỗi người trong cả đại gia đình đều viết nguyên quán Bình Lục, Hà Nam, vậy mà chỉ có Ba tôi là người con may mắn nhất có dịp trở lại quê cũ. Theo lệ, khi về quê, tới nhà tổ, mỗi người con họ Trần sẽ được hỏi han gốc gác ông cha, chú bác và chính nhờ cuộc viếng thăm này, tên Ba tôi đã được ghi lại ở đời thứ 8 tính từ Thủy tổ chi Phúc Hoằng họ Trần (xem cây phả hệ).

Năm 2009, chú Ngọc tôi đã về thăm Ba tôi sau hơn 30 năm xa cách, nhìn Ba và Chú, hai ông già ở tuổi 79 và 74 hàn huyên, rưng rưng, chúng tôi đã thật sự cảm động. Hai ông đi thăm chị gái đang ốm ở Hải phòng, 3 chị em cùng nằm ngủ trên một sàn nhà để được chuyện trò, để được ôn xưa. Chúng tôi cũng tổ chức để Ba Mẹ tôi vào Huế thăm Cô Nga, chú Trạch đang ốm.

Tôi nói tôi may mắn, may mắn vì đã được Ba Mẹ tôi sinh ra trên cõi đời này, được Mẹ tôi dạy dỗ từ tấm bé, được hưởng đức hy sinh và lòng bao dung, vị tha của Mẹ tôi, để đến hôm nay tôi được viết ra những dòng này, được tìm về nguồn cội, được về làng, nơi tôi chưa bao giờ tới và được có tên trên những trang phả đồ kia, được biết đến bởi những người tôi chưa bao giờ thấy mặt: họ hàng của tôi.


Tin cùng loại