-
Thường trựcTrần Như Hoàng:
SĐT: 090 118 9135
Email: xangoclu@gmail.com
Đang Online : | 3 |
Tổng Lượt Online : | 1165184 |
ĐÌNH CHÙA NGỌC LŨ VÀ DI SẢN VĂN HÓA TRỐNG ĐỒNG
Bài: ĐẶNG VĂN NAM - Ảnh: TRẦN ĐÌNH THI
Đình Ngọc Lũ huyện Bình Lục (Hà Nam)
Đình, chùa Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam (được cấp bằng di tích lịch sử
quốc gia ngày 26 tháng 01 năm 2006), được xây dựng vào năm 1888, do cụ
Chỉ Cơ (bạn học cụ Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến) mua gỗ về làm đình
chùa Ngọc Lũ. Chính nơi đây là nơi cất giữ trống đồng Ngọc Lũ đầu tiên.
Vào giữa mùa thu tháng 8 năm 2012, tôi đi cùng anh bạn về thăm quê
làng Ngọc Lũ, được giao lưu với các cụ cao tuổi và lãnh đạo xã, tôi được
nghe những mẩu chuyện chưa được nghe bao giờ. Cụ Trần Đình Tước năm nay
85 tuổi (là hậu duệ của cụ Chỉ Cơ – quen gọi là cụ Chỉ Cơ vì cụ là tiên
chỉ của làng). Cụ Chỉ Cơ là người có chức sắc và có tâm với quê hương,
cụ đã bỏ tiền ra mua gỗ ở rừng về xây dựng đình, chùa Ngọc Lũ. Với khuôn
viên của làng dùng xây dựng là 2.500 m2, bên ngoài là 2 dãy nhà (mỗi
dãy 7 gian) Tiêu thổ kháng chiến thời Pháp đã dỡ đi 14 gian đình ngoài.
Hiện nay còn 1 dãy 7 gian được xã phục hồi lại vào năm 1999 và dãy hậu
cung 3 gian trong cùng đang lưu giữ trống đồng Ngọc Lũ (phiên bản) và
một số đồ thờ đức Thành hoàng làng.
Chùa Ngọc Lũ
Theo thần tích thần sắc (của Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam lưu giữ) bút tích của Chánh hương hội làng Ngọc Lũ Nguyễn Huy Nhuận năm 1938 viết trả lời Hội khảo cứu phong tục về phong tục thể lệ và tích thờ Thành hoàng: “Tương truyền đình làng thờ một vị là thiên thần Tây phương Bạch đế, một vị là Thánh mẫu Long cung chính liệt Thông huyền công chúa là tiên nữ giáng trần…”
Tác giả (áo trắng) đang trao đổi với ông Nguyễn Văn Liệu (áo đen) quản lý phủ Cầu Đá cung cấp tư liệu về đình Ngọc Lũ
Cụ Tước còn kể cho chúng tôi nghe một truyện mang màu sắc tâm linh:
Năm cụ 12 tuổi theo cha ra đình lễ, chính mắt cụ nhìn thấy 2 con rắn to
bò từ ngoài sân vào trong đình, khi vào trong đình cuộn tròn dưới bệ
thờ thành hoàng. Từ đó mọi người truyền nhau câu chuyện ấy, rồi cứ ngày
rằm, mồng một là bà con tới đình thắp hương cầu phúc lộc. Có người cầu
được ước thấy cho là đức Thành hoàng làng rất linh thiêng, một đồn mười,
thế là khách thập phương đến lễ ngày càng đông…
Về cội nguồn
trống đồng Ngọc Lũ các cụ khẳng định đây là trống đồng đặc biệt, cùng
thời với trống đồng Đông Sơn và một số nơi sưu tầm được.
Vào
khoảng 1893 – 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người
khác đắp đê trấn thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân, Hà
Nam) thấy dưới độ sâu 2 mét của bãi bồi có một chiếc trống đồng, các
ông ngay trong đêm ấy khiêng về đình làng Ngọc Lũ để khi có đình đám
cúng tế thì đem ra đánh. 7, 8 năm sau có một họa sĩ người Pháp đến vẽ ký
họa cây đa đình làng, nhìn thấy trống đồng đẹp, liền báo cho công sứ
biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công
sứ Hà Nam đã sức cho Lý dịch làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục,
tỉnh Hà Nam ngày nay) mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó
nhà bác cổ Viễn đông, Hà Nội đã mua lại với giá 550 đồng. (Hiện nay bảo
tàng lịch sử Việt Nam đang lưu giữ) tình trạng hiện nay trống còn tương
đối nguyên vẹn, có một lớp patin màu xanh ngả xám.
Ảnh phiên bản trống đồng Ngọc Lũ
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan xem phiên bản trống đồng Ngọc Lũ ngày 3-12-2012
Về cấu trúc hình dáng trống đồng có hai loại hoa văn hình học và
hoa văn người, động vật. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14
cánh, xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình trái tim.
Từ trong ra ngoài có 16 vành hoa đồng tâm bao bọc lấy nhau. Các vành 1,
5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Các vành 2, 4, 7, 8, 10 là vành có
hình người giã gạo, và hình động vật xung quanh ngôi sao và hình chim
lạc ngược chiều kim đồng hồ.
Vành 8 gồm 5 nhóm, mỗi nhóm có 10
con hươu đực thì đến 1 con hươu cái. Vành 10 gồm 36 con chim, 18 con
chim đậu và 18 con chim bay là loại chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân
dài, mình gầy thuộc loại cò, sếu hoặc vạc (quen gọi là con chim lạc) các
con chim đậu thì mỏ ngắn, đuôi ngắn.
Phần trên cùng của tang trống
là đoạn tiếp giáp với vành trống có 6 vành hoa văn hình học, vành 2, 5
là hoa văn kiểu răng cưa, đỉnh quay về 2 phía có các chấm nhỏ xen kẽ,
vành 3 và 4 là hoa văn vòng tròn đồng tâm, chính giữa nối với nhau bằng
những tiếp tuyến song song.
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong
số ít trống đẹp phát hiện được trên thế giới, trống cao 63cm đường kính
mặt trống 79,3cm đường kính chân 81 cm, trọng lượng 86 kg.
Ngoài tác
dụng của trống phục vụ các ngày lễ cúng tế, trống đồng còn có vai trò
tín ngưỡng phồn thực trong đời sống người Việt – biểu tượng sức mạnh,
biểu tượng quyền lực của người xưa – đồng thời cũng là biểu tượng toàn
diện tín ngưỡng phồn thực. Có trống đồng của dân tộc Mường mô phỏng động
tác giã gạo – động tác giao phối, trên mặt trống là hình mặt trời với
những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, giữa các tia sáng là
hình như trái tim biểu trưng sinh thực khí nữ.
Tín ngưỡng
phồn thực có mặt ở khắp vùng Đông Nam Á nói riêng, còn các dân tộc khác
lại thờ cả sinh thực khí lẫn hành vi giao phối. Đó chính là những nét
làm nên tính hồn nhiên và chiều sâu của văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Để
trùng tu tôn tạo khu di tích đình, chùa Ngọc Lũ như xưa, được sự giúp
đỡ của sở Văn hóa Thể thao – Du lịch tỉnh Hà Nam, lãnh đạo xã Ngọc Lũ,
các cụ cao niên đã làm tờ trình lên chính phủ xin kinh phí phục chế lại
dãy đình 7 gian ngoài và ngôi chùa cổ cùng việc tôn tạo khuôn viên. Hiện
nay đang chờ chính phủ xét duyệt kinh phí thực hiện, phương châm Nhà
nước nhân dân cùng làm, vận động các tấm lòng hảo tâm và khách thập
phương đóng góp để tiến hành trùng tu khu di tích.
Hy vọng rồi
mai đây khu di tích lịch sử đình, chùa Ngọc Lũ sẽ là nơi tham quan, du
lịch của khách thập phương và là chốn tâm linh được nhiều người ngưỡng
mộ, tiếp tục đóng góp công đức tôn tạo ngày càng đàng hoàng đẹp hơn. Để
con cháu muôn đời tôn vinh tự hào với truyền thống của quê hương đất
nước.
Tác giả trao đổi với cụ Trần Đình Tước (hậu duệ cụ Chỉ Cơ)
Tác giả thông qua bài viết với đồng chí Trần Đình Thọ (bên phải) phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Lũ
Anh Nguyễn Huy Đô (bên trái) người cung cấp tư liệu cho tác giả về thần tích - thần sắc thôn Thượng Lang, làng Ngọc Lũ
Ông Bùi Xuân Hùng chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ thông qua bài viết...
.......................Bài viết đã thông qua các cụ cao tuổi và chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ ngày 04-01-2013
Tác giả: Đặng Văn Nam
Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định
Địa chỉ: 54c, tổ 8, phường Cửa Bắc, TP Nam Định
Số điện thoại: 01669140317