Văn hóa - Xã hội - Đình và chùa Ngọc Lũ

Đình và chùa Ngọc Lũ

   Ngọc Lũ cũng như nhiều làng quê khác trên đất Hà Nam có một truyền thống văn hóa lâu đời, người dân ở đây chủ yếu theo đạo phật. Xã Ngọc Lũ còn có nhiều ngôi đình, ngôi đền là nơi thờ các thành Hoàng của làng, những người có công với đất nước, với quê hương. Nhiều dòng họ đã có mặt tại mảnh đất này mấy chục đời, góp phần tạo dựng nên một vùng quê trù phú, giàu đẹp. Đạo Thiên chúa du nhập vào xã Ngọc Lũ rất muộn, hiện nay địa phương có một nhà thờ thiên chúa giáo gồm mấy chục hộ bà con giáo dân.

   Địa phương đã từng có câu ca:

Ngọc Lũ người lắm của giàu

Mười ba xóm ở, hoa màu biết bao

Lại xem tài lực giỏi cao

Đắp đê hộ thủy, nơi nào cũng thuê

   Chính nhờ đắp đê hộ thủy mà dân làng khi đắp đê ở lý nhân vào cuối thế kỷ XIX đã đào được chiếc trống đồng Ngọc Lũ.

Đình làng Ngọc Lũ.


   Đình Ngọc Lũ là di tích lớn nhất của xã trước đây. Đình thờ Cao Mang Đại Vương.

   Lịch sử thờ Cao Mang Đại Vương như sau: Quê ông ở Ái Châu, bố là Lý Khoan, mẹ là Hà Thị. Vợ chồng ông bà Lý Khoan đã già mà vẫn chưa có con nên luôn làm việc phúc đức để cầu mong có người nối dõi, một đêm bà Hà Thị nằm mộng thấy có một con rết dài 3 thước từ trên trời sà xuống nên biết rằng có điềm lành. Quả nhiên bà có mang rồi 9 tháng sinh được một người con trai khôi ngô, tuấn tú. Được 100 ngày thì ông bà Lý Khoan đặt tên con là Đạt Công. Năm lên 8 tuổi Đạt Công đi học, là người rất thông minh nên học một biết mười, các ban võ nghệ đều tinh thông. Năm 11 tuổi thì cha mẹ đều qua đời nên đạt công đến nương nhờ Thánh Tản Viên.

   Ngày đó Vua Hùng Vương kén người tài làm rể. Tản Viên đã cho Đạt Công vào kinh thi tài và được công Chúa gieo cầu trúng đã được nhà vua gả công chúa cho. Công chúa Ngọc Hoa cùng Đạt Công về núi để chào Tản Viên rồi về triều giúp nước. Một hôm Đạt Công đi qua địa phương thấy cảnh đẹp, dân thuần hậu nên đã cho lập cung ở đây. Ông đã giúp dân sản xuất, dạy dân làm nghề nông và phát triển dâu tằm.

   Lúc đó Hùng Duệ Vương (đời vua Hùng thứ 18) tuổi đã già, khoảng năm 257 trước công nguyên Thục Vương đem 10 vạn quân sang đánh nước ta, nhà vua đã giao cho Tản Viên chức tổng binh cùng Đạt Công đi đánh giặc. Ông đã về địa phương mộ thêm binh lính, thu nạp được 700 người làm quân thân tín. Đại quân kéo đến Hoa Châu ngăn chặn quân giặc và đã giành thắng lợi. Chiến thắng trở về, Đạt Công đã được triều đình phong là Câu Mang và cho vùng đất địa phương làm thực ấp. Về sau Duệ vương trao quyền cho Thục Vương thì Câu Mang chán nản, ông xin về địa phương rồi cùng một số người tâm phúc đi chu du thiên hạ. Một hôm ông đi đến chân núi Tản Viên thì bỗng thấy trời mưa to gió lớn lại nghe có người đọc thơ mời ông lên trời, khi ngớt mưa, trời quang, mây tạnh mọi người không thấy ông đâu cả chỉ còn lại đống quần áo. Được tin này dân làng đã lập đền thờ ông tại đây để phụng sự.

   Khoảng năm 1620 nhận lệnh của Nguyễn Súy thống quốc chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cụ Trần Như Lân đi tiễu trừ giặc Mạc ở Hà Giang Lạng Sơn. Khi đi qua vùng chân núi Tản Viên – Ba Vì ngày nay, thấy có miếu thờ Câu Mang – Đạt Công ông đã vào thắp hương và khấn cầu phù hộ cho ông đánh thắng trận thì sẽ đón ngài về quê nhà làm Thành Hoàng làng. Quả nhiên trận ấy thắng to. Thực hiện lời hứa đó ông đã đưa Câu Mang Đại Vương Đạt Công về thờ ở đình làng.

   Căn cứ vào lịch sử nhân vật được thờ ở Đình, đã khẳng định một điều: Mảnh đất này ngay từ đầu dựng nước đã là một làng quê trù phú, là một vùng đất cổ truyền có truyền thống rất lâu đời.

   Nguyên ngôi đình xây theo kiểu tiền nhất hậu đinh, nhà tiền tế bảy gian, trung đường nằm gian chính và tẩm 3 gian, Đằng trước là một sân gạch rộng, phía ngoài là một hệ thống cột đồng trụ cao to rất bề thế. Đây là một ngôi đình lớn, có tiếng của huyện Bình Lục. Vì vậy đầu thế kỷ này một họa sĩ người Pháp đã đến thăm và vẽ phong cảnh tại đình và phát hiện trống đồng cổ thờ tại đây.

   Đình Ngọc Lũ sau cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị tàn phá nặng nề. Cho đến nay di tích chỉ còn giữ lại một phần ở phía đằng sau đình nhưng còn khá nhiều đồ thờ có giá trị như một số nhang án, các quán tẩy, cỗ kiệu bát công thời hậu Lê.

Chùa Ngọc Lũ.

ngôi chùa cũ

   Chùa Ngọc Lũ có tên là Kim Sơn Tự nằm ngay bên cạnh đình, sát ngay bên cạnh đường đi của xóm. Theo truyền thuyết của dân làng kể lại thì trước đây trong làng có vợ chồng ông Mải tuy rất giàu nhưng lại không có con cái. Mặc dù ông, bà làm việc thiện, tu nhân tích đức rất nhiều nhưng ước nguyện vẫn không thành. Ông bà làm một ngôi nhà để ở nhưng ngôi nhà quá to lớn và lộng lẫy khác hẳn mọi ngôi nhà khác trong làng. Sau khi làm xong, qua lời bàn ra tán vào, mọi người cho rằng ông làm ngôi nhà này sẽ bị nhà vua quở trách vì phạm tội “Cáo lộng hành”, làm nhà to hơn đẹp hơn cả triều đình. Trước tình hình ấy, ông bà Mải phải xuống xã Tử Thành nay là xã An Nội huyện Bình Lục lấy cắp hai pho tượng về thờ và biến ngôi nhà riêng thành ngôi chùa của làng. Từ đó nhân dân địa phương đến ngày rằm lại tấp nập mang hoa, quả đến lễ.

cổng chùa

   Ngôi chùa hiện nay gồm một tòa nhà có năm gian làm theo kiểu chồng diêm tám mái với các đao góc được uốn cong. Đây là một ngôi chùa xây dựng khá sớm ở địa phương. Theo một tấm bia còn lại ở chùa còn ghi lai được là vào thời Cảnh Lịch tức Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên (1548-1553) Với một vùng đất cổ như xã Ngọc Lũ, việc xây dựng chùa chắc chắn được ra đời khá sớm. Vào giữa thế kỷ 16 cùng với việc xây dựng văn bia đây chỉ là một lần tu sửa của chùa.

   Ngôi chùa được Tín Quận Công tổ chức cho tu sửa tiếp vào cuối thế kỷ 16. Nơi đây đã được nhiều vị phu nhân trong dòng họ Trần Như đóng góp tiền bạc cùng ruộng đất trong các đợt tu sửa chùa. Vì vậy ở trong chùa đã có nhiều tượng các vị bồ hậu là các vị phu nhân của dòng họ Trần Như.