Các dòng họ trong xã Ngọc Lũ - Nhà thờ họ Phạm

Nhà thờ họ Phạm

    Xã Ngọc Lũ có nhiều dòng họ đến định cư ở đây và hiện nay còn nhiều dòng họ lớn. Các dòng họ đến đây dù sớm hay muộn nhưng đã đoàn kết gắn bó chung lưng để xây dựng lên một làng quê giàu đẹp.

   Họ Phạm cũng là dòng họ đông đúc ở địa phương và đặt chân đến đây khá sớm. Trong họ trước đây có một người tên là Phạm Công Tựu còn có biệt hiệu là Tổng Rồng, có sức khỏe phi thường. Ông có thể cắp được cả một con trâu hay con bò để lội đồng. Sức khỏe của Tổng Rồng đã được thanh niên và nhân dân quanh vùng rất kính phục.

   Một lần Tổng Rồng thử tài cùng trại tráng trong làng. Ông tìm chặt một cây tre ở giữa một cụm tre rậm rạp và tiện cớ có mấy thanh niên trong làng đứng đấy, ông liền nhờ họ lôi giúp cây tre đó ra vì ông còn bận chút việc (lấy cây tre này rất khó vì nó nằm giữa bụi tre, bị các cành cây tre khác bao bọc). Đám thanh niên xúm lại kéo nhưng không thể kéo được cây tre ra. Một lúc Tổng Rồng trở lại thấy đám trại làng mồ hôi nhễ nhại chưa kéo nổi cây tre ra, ông cười và hai tay nắm gốc tre đẩy mạnh ngược về phía ngọn, cây tre bị đẩy xước hết cành nên lấy ra dễ dàng.

   Một hôm có thuyền buôn nước mắm gặp một đoạn sông cạn nên không thể nào đi được chủ thuyền đã thuê Tổng Rồng kéo thuyền. Khi thuê người lái buôn còn hứa: sau khi thuyền qua được đoạn sông cạn, ông sẽ trả công bằng một gánh nước mắm. Công việc xong xuôi, Tổng Rồng dùng hai hòm kiệu xuống thuyền lấy nước mắm như đã thỏa thuận với chủ thuyền, với số lượng nước mắm lấy đi quá lớn như vậy người lái buôn đã khóc và van lạy. Ông đã cười và không lấy một lít nước mắm nào và nói rằng muốn trổ tài ba chơi mà thôi.

   Tổng Rồng sống vào thời Lê. Lúc đó từ vua quan đến dân đều lo ngại vì có một con quái vật giống như một con trâu dại có một cặp sừng nhọn hoắt chuyên phá hoại mùa màng, chưa có ai diệt trừ được nó. Vua Lê cho sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi để diệt trừ quái vật, giúp nhân dân yên ổn làm ăn. Khi biết lệnh này, Tổng Rồng đến xin gặp nhà vua xin đi để diệt quái vật, ông chiêu tập một số trai tráng theo mình, đến chỗ con quái vật ông dặn: Nếu ta xông vào vật được nó thì các anh nấp xung quanh đây phải nhất tề xông vào đâm chết nó, còn nếu trường hợp ta thua nó thì các anh hãy trở về. Nói xong Tổng Rồng xông thẳng vào chỗ con quái vật tìm nó để diệt. Cuộc vật lộn diễn ra giữa người và vật vô cùng gay go, quyết liệt. Cuối cùng, Tổng Rồng đã vặn ngược đôi sừng con vật, quái vật không chịu nổi đã phải bổ ngửa ra để ông đè lên trên thấy vậy đám thanh niên nhanh nhẹn ùa vào, dùng giáo, mác đâm chết ngay quái vật.

   Khi nghe Tổng Rồng đã trừ được ác thú, nhà vua cho ông đến thưởng công. Ông được tặng phong là Kiệt Trung Tướng quân. Biết ông ăn khỏe, ăn hết một nồi mười hai cơm nên nhà vua mới đặt cho biệt danh là Tổng Rồng, có nghĩa là người giết được rồng và cũng khỏe như rồng.

   Với tài năng và đức độ ông Phạm Công Tửu tức Tổng Rồng đã làm vẻ vang cho làng xóm và dòng họ Phạm, bài vị của ông đã được đặt ở vị trí trang trọng.

   Theo các cụ dòng họ Phạm cho biết thì ngôi nhà này trước hoàn toàn bằng gỗ, mái thấp, các góc đều có đao, chạm khắc nhiều, phong cách kiến trúc này mang dáng dấp thời hậu Lê. Nhà thờ họ Phạm đã tu sửa nhiều lần, hiện nay có 3 gian làm vào thời Nguyễn. Đồ thờ ở đây, ngoài một số sắc phong thời Lê Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740) hiện nay không có gì quý giá.