-
Thường trựcTrần Như Hoàng:
SĐT: 090 118 9135
Email: xangoclu@gmail.com
Đang Online : | 2 |
Tổng Lượt Online : | 1173599 |
Họ Trần làng Hương Cần là một trong sáu họ chính hình thành lúc ban đầu của làng gồm có các họ Lê, Hồ, Trần, Nguyễn, Dương, Bùi.
Căn cứ theo sử liệu hình thành làng Hương Cần thì Họ Trần đã có mặt vào khoảng cuối thế kỷ XIV cuối đời Trần, bắt đầu từ Ngài Hiển Thượng Thủy Tổ TRẦN LA đại lang, được phong" DỰC BẢO TRUNG HƯNG LINH PHÒ KHAI KHẨN TRẦN ĐẠI LANG TÔN THẦN", được phong thêm" ĐOAN TÚC TÔN THẦN". Nguồn gốc xuất tích của Ngài không được đời trước ghi rõ quê quán. Hậu thế chỉ có thể nghiên cứu về sự liên hệ được nói nhiều đến trong các phổ về đền Cần Hải có gốc tích ở tỉnh Nghệ An.
Làng Hương Cần có thờ phụng như ở đền Cần Hải ở Nghệ An. Bài vị ở đình làng có ghi câu" ĐẠI CÀN QUỐC GIA NAM HẢI TỨ VỊ" có thể chứng minh vị trí làng Hương Cần ( gốc) tại Cửa Cờn ở sát bờ biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Như vậy, Họ Trần làng Hương Cần dựng cơ nghiệp từ rất lâu, gốc nhánh hàng trăm năm có bản ghi chép của các chi phái từ trước năm 1700. Họ hiện có 4 phái: NHƯ, HOẰNG, HỮU, ĐỨC.
Ngày 15 tháng 10 năm Tự Đức thứ 23, tức là ngày 07/11/1870, ông Trưởng Họ Cai tổng Trần Hữu Khuê ( đời thứ 12) và các vị đại diện các phái gồm có:
-Trưởng phái Như: Viên tử Trần Như Truyền, trưởng phái Hoằng: Viên tử Trần Hoằng Sừng; trưởng phái Hữu: Dụng tử Trần Hữu Định; trưởng phái Đức: Thủ bộ Trần Đức Kiến ( đời thứ 13) cùng đông đảo bà con trong Họ đã phụng tu, phụng duyệt, phụng khảo gia phả, soạn nên gia phả gốc để sắp xếp thứ bậc trong Họ các đời thứ từ ngài Hiển Thượng Thủy Tổ đến các lớp con cháu về sau được hệ thống lại, tìm ra nguồn gốc dòng họ để tưởng nhớ.
Đến nay, họ Trần đã có con cháu đến đời thứ 20 thuộc phái Trần Như.
Phái Trần Như là phái anh trưởng. Phái này được bắt đầu từ Ngài TRẦN NHƯ SƠN ( đời thứ 6). Các phái khác cũng lần lượt hình thành từ các Ngài cao tổ có con trai nối dõi về sau.
Di tích của Họ Trần còn lưu dấu khởi thủy gồm có nhà thờ Họ tại biền trên Giáp Kiền và Lăng mộ Ngài Hiển Thượng Thủy Tổ tại xứ Thế Chúa, Giáp Tây, thuộc Xã Hương Toàn. Ở cột trụ biểu nhà thờ họ Trần có ghi câu đối :
Nhứt mạch triệu bồi quang thế đức
Bách niên kỳ trĩ thọ môn phong
( Một mạch điểm tô ngời đức hạnh
Trăm năm bền vững sáng môn phong)
Đến nay việc tìm về nguồn cội của một số chi nhánh đi xa quê hương đã kết nối rõ thêm như sau:
-
Từ đời thứ 12, Ngài Trần Như Kỷ, có tên khác là Trần Ngạnh, húy hiệu là
Triện đến nhậm chức tại làng Viễn Trình, xã Phú Đa, Nha Phú Thứ, tỉnh
Thừa Thiên cũ lập gia đình và sinh hạ con cháu ở địa phương đó cho đến
hôm nay đã được 19 đời . Tại làng Viễn Trình, xã Phú Đa, huyện Phú Vang,
tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay đã hình thành Họ Trần và đã
xây dựng nhà thờ họ Trần. Trong chiến tranh Họ chỉ ghi Họ Trần không ghi
chữ lót của phái. Từ sau ngày đất nước thống nhất Họ đã kết nối với Họ
Trần gốc ở làng Hương Cần và đã ghi họ tên con cháu là Trần Như. Hàng
năm bà con Họ Trần ( Viễn Trình) đều có cử đoàn đại diện lên Họ Trần (
Hương Cần) để tham dự các lễ cúng tế và đại diện phái Trần Như, họ Trần
Hương Cần cũng đều có về Viễn Trình để dự kỵ giỗ, tảo mộ, tế lễ rất thân
mật, đoàn kết, nghĩa tình ruột thịt thắm thiết.
- Từ đời thứ 13, Ngài Trần Như Tân và vợ là Bà Hoàng Thị Hoàn đi vào Nam làm thông phán ở tỉnh Gia Định tạo lập nên một nhánh họ Trần Như. Đến đời thứ 16, ông Trần Như Hoàng, sinh năm 1887, cháu nội của Ông Trần Như Tựu, đời thứ 14 đã tìm về nhà thờ Họ Trần ở Hương Cần, thỉnh bài vị và sao lại bản gốc gia phả đem về tỉnh Khánh Hòa tu chỉnh, bổ sung thêm từ đời thứ 13.
Đến nay, tại tỉnh Khánh Hòa đã tập hợp được con cháu lập ra chi họ Trần Như gồm có 4 nhánh. Ngày 05/7/1996 ( 20/5 Bính Tý) chi họ Trần Như ở Khánh Hòa đã tổ chức Lễ Giổ Tổ lần thứ nhất, tập hợp được nhiều con cháu đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang về tham dự.
Ngoài ra, còn có một số Họ Trần, Trần Như khác ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, ...đã có tiếp xúc, tìm hiểu về nguồn gốc dòng họ. Tuy nhiên, việc xác lập quan hệ huyết tộc chưa thể hình thành vì nhiều chi tiết về niên đại, về húy danh,về quê quán của gia tiên còn cần phải cẩn trọng nghiên cứu.
Trải qua hàng trăm năm, nhờ có phổ hệ truyền đời, con cháu các thế hệ Họ Trần Hương Cần vẫn nhận biết quan hệ huyết tộc, thế bậc, ngôi thứ xưng hô, thương yêu đùm bọc , giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đoàn kết dìu dắt nhau trong các tộc sự. Theo thống kê trong gia phả đến nay nhân số con cháu của Họ Trần làng Hương Cần đã có trên 8.000 người. Do công việc và sinh kế, nhiều cư tộc đã hình thành khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Quá trình biệt vãng ấy của gia tiên các đời thế con cháu chưa có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu, xác lập.
Kính mong các vị Tộc trưởng, Phái trưởng, Chi trưởng, Nhánh trưởng và các gia đình, phát huy truyền thống của con cháu trưởng, cố gắng tạo sự gần gũi, thương yêu, giúp đỡ và chân thành giáo dục con cháu hoàn thiện nhân cách thành viên của dòng họ, phát tâm tìm hiểu, tiếp xúc để kết nối cội nguồn, cung kính phụng tự hiếu đạo đối với Tổ tiên, ý thức cao trách nhiệm làm con cháu Trần tộc, phát huy truyền thống hào khí Đông A của con dân Họ Trần Việt Nam./.
TRẦN NHƯ LỘC
Đời thứ 17