Điểm tin - Ngọc Lũ - Tương lai xanh

Ngọc Lũ - Tương lai xanh

Báo Nông nghiệp VN - 05/08/2014 09:10

Sau nhiều ngày đến khảo sát và đề xuất phương án xử lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, dự án của Tập đoàn Hoài Nam- Hoài Bắc đã được chính quyền tỉnh Hà Nam và xã Ngọc Lũ chấp thuận.

Chuồng heo của gia đình Bí thư xã Trần Đình Mão rất sạch. Nhưng chất thải được đưa ra môi trường là chính

Xưa, nhắc đến xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, người ta nghĩ ngay đến chiếc trống đồng Đông Sơn cổ nhất, đẹp nhất, biểu tượng của tinh hoa văn minh nước Việt. Khoảng 10 năm trở lại đây, Ngọc Lũ lại nổi tiếng là xã nuôi heo lớn nhất miền Bắc và ô nhiễm nặng.

Nhưng rất có thể không lâu nữa, xã này sẽ thêm 1 lần được mọi người biết đến khi giải quyết xong nạn ô nhiễm, xây dựng “xã xanh” của châu Á.

BẾ TẮC XỬ LÝ CHẤT THẢI

Ngọc Lũ cũng như hầu hết các xã nông thôn ở miền Bắc là ít ruộng, mỗi nhà chỉ có vài sào lúa. Nên người dân tìm cách phát triển chăn nuôi. Từ nhiều năm nay, chăn nuôi heo tại xã Ngọc Lũ đã trở thành nghề chính, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu cho người dân.

Hơn 80% số hộ (trong tổng số gần 2.200 hộ) trong xã nuôi heo, hộ ít nhất là vài chục con, hộ nhiều lên đến hơn 1.000 con. Tổng đàn heo của xã duy trì thường xuyên từ 50.000 - 60.000 con, bằng khoảng 12% tổng đàn heo của tỉnh. Sản lượng heo hơi xuất chuồng hàng năm từ 10.000 - 11.000 tấn (tương đương 15% sản lượng thịt heo hơi toàn tỉnh).

Tuy nhiên, chăn nuôi phát triển bao nhiêu thì ô nhiễm tăng bấy nhiêu. Chưa tính các loại rác thải, chỉ riêng lượng chất thải từ đàn heo, thì hệ sinh thái, môi trường trong xã và khu vực lân cận đang chịu tác động tiêu cực ngay càng tăng, ô nhiễm trên mặt đất và cả những mạch nước ngầm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.


Những ao hồ ở Ngọc Lũ đen kịt, bốc mùi nồng nặc vì ô nhiễm

Khoảng hơn 40% số hộ nuôi heo trong xã cũng đã xây hầm biogas, nhưng chỉ xử lý được khoảng 20% chất thải.

Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng heo 100 con của gia đình, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lũ Trần Đình Mão cho biết, ông đã xây hầm biogas, nhưng dung tích chỉ 20 m3 và cười nói: “Hầm biogas nhỏ quá nên vào bao nhiêu ra bấy nhiêu”.

Theo quan sát của chúng tôi, chuồng trại của gia đình ông Mão khá sạch sẽ và không nặng mùi do được thiết kế dốc, phía thấp nhất là rãnh để chất thải chảy ra ngoài mương và thoát ra môi trường. Nhiều gia đình đã có hầm biogas, nhưng công suất nhỏ và phần lớn chất thải vẫn phải đưa ra môi trường.

Trước tình hình ô nhiễm ngày một tăng ở Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam đã tích cực tìm giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trên. Nhiều nhà khoa học, kỹ sư môi trường, các doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải và cả các đơn vị của nhà nước đã từng về Ngọc Lũ nghiên cứu, đưa ra giải pháp, nhưng rồi vẫn thất bại.

Cách đây 5 năm, Tổng cục Môi trường đã đến Ngọc Lũ xây dựng một hệ thống xử lý chất thải trị giá gần 7 tỷ đồng. Nhưng công suất của hệ thống chỉ xử lý được chất thải của chưa đến một nửa thôn. Sau khi bàn giao cho xã, hệ thống không ai biết vận hành, bên cạnh đó, chưa thống nhất về việc thu phí từ các hộ dân trong xã nên cuối cùng, hệ thống này chỉ để ngắm chơi.


Ngọc Lũ có gần chục bãi rác khổng lồ như thế này

Sau khi thất bại về hệ thống này, chính quyền xã đã lập quy hoạch vùng SX chăn nuôi heo sạch, nhằm tạo ra sản phẩm thịt heo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường, ổn định SX, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và giải quyết nạn ô nhiễm. Nhưng, dự án này có phần rất khó thực hiện, là xử lý chất thải.

Giữa lúc chính quyền xã Ngọc Lũ chưa tìm được giải pháp nào khả thi, thì tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc, một doanh nghiệp xử lý các loại chất thải chuyên nghiệp, lên tiếng.

SẼ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM

Theo khảo sát của các kỹ sư tập đoàn tại Ngọc Lũ thì hầu hết các hộ chưa đảm bảo yêu cầu SX chăn nuôi lợn sạch. Chỉ có 2% diện tích (trong tổng số 120.000 m2 toàn xã) số chuồng trong xã đạt chuẩn. Hầu hết số hộ chưa xây dựng chuồng cách ly để cách ly heo bệnh hoặc tạm nuôi đàn lợn mới nhập về nuôi.

“Chúng tôi rất tin tưởng là dự án của Hoài Nam- Hoài Bắc sẽ thành công. Vì đơn giản, đây không phải dự án được tài trợ mà công ty họ tự bỏ tiền ra làm. Chính quyền chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ theo quy định. Hoài Nam- Hoài Bắc là một tập đoàn chuyên nghiệp về xử lý môi trường, bên cạnh đó, dự án của họ đầu tư gần 300 tỷ đồng thì không thể có chuyện không khả thi”, ông Bùi Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ.

Từ kết quả khả sát, Hoài Nam- Hoài Bắc đã xây dựng dự án “Xây dựng khu liên hợp xử lý ô nhiễm thu hồi khí biogas phát điện theo cơ chế phát triển sạch CDM xã Ngọc Lũ”. Dự án không chỉ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm mà còn thu hồi khí biogas, SX năng lượng sạch, góp phần bổ sung nhu cầu điện cho xã Ngọc Lũ, SX phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao từ bùn thải hầm biogas phục vụ SX nông nghiệp sạch tại địa phương, bán Chứng chỉ giảm phát thải (CERs) nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Theo ông Huỳnh Viết Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoài Nam- Hoài Bắc, có nhiều phương pháp xử lý rác như chôn lấp, đốt, xử lý sinh học hòa tan, hóa tách, đóng rắn… Nếu lựa chọn đúng đắn các phương pháp xử lý chất thải sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao.

Mục đích của phương pháp xử lý chất thải rắn phải đạt được các yêu cầu sau: Giảm thiểu sự phát thải trong quá trình xử lý và sau xử lý. Tăng cường thu hồi các sản phẩm có thể sử dụng lại, mang lợi ích cho xã hội. "Chúng tôi chọn phương pháp xử lý sinh học. Công nghệ xử lý chính bằng phương pháp hầm ủ biogas sinh khí phát điện, kết hợp phương pháp vật lý và xử lý nước thải cuối quá trình (biogas kết hợp)", ông Thanh nói.


Chất thải chăn nuôi xả thẳng ra môi trường

Công nghệ gồm 3 phần xử lý chính: Tiền xử lý (thu gom, vận chuyển, phân loại); Xử lý chính ô nhiễm (hầm biogas, xử lý nước, bùn); Xử lý khí sinh học dùng chạy máy phát điện. Khu liên hợp xử lý ô nhiễm chủ yếu tiếp nhận 2 nguồn ô nhiễm chính: Rác thải sinh hoạt, SX và chất thải chăn nuôi. Hệ thống có thể xử lý từ 200 - 300 tấn rác thải rắn/ngày.

Theo ông Thanh, hình thức xử lý này là kết hợp giữa công nghệ truyền thống và hiện đại, đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Thành phẩm thu được là khí hay điện năng, phân hữu cơ sinh học và một số sản phẩm tái chế.

Khí thu được có thể tùy ý chuyển đổi thành nhiên liệu lỏng. SX điện năng cung cấp cho mạng lưới điện xã và cung cấp năng lượng cho sử dụng nội bộ của khu liên hợp. Phân hữu cơ sinh học là nguồn cung cấp phân bón chất lượng cao cho SX nông nghiệp trên địa bàn xã và các khu vực nông thôn thành phố. Quá trình tiền xử lý diễn ra không phát sinh mùi hôi.

“Chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm ô nhiễm ở Ngọc Lũ, đưa xã này thành xã xanh tầm cỡ châu Á”, ông Thanh khẳng định