Văn hóa - Xã hội - QUÊ HƯƠNG - NIỀM TỰ HÀO

QUÊ HƯƠNG - NIỀM TỰ HÀO
NHÀ THỜ LƯƠNG QUẬN CÔNG TRẦN NHƯ LÂN MỘT DI TÍCH LỊCH SỬ  -  VĂN HÓA

     Từ thị xã Phủ Lý xuôi theo đường 21 đến cầu Họ rẽ tay trái về cầu Bùi chừng 6km. Lại rẽ tay phải khoảng hơn 2km đến thôn Thượng Lang xã Ngọc Lũ, Bình Lục Nơi đây có nhà thờ Lương Quận Công Trần Như Lân.

                      Cây đa trên đường về xã Ngọc Lũ


             Bảng hướng dẫn vào nhà thờ
       Ngôi nhà thờ này được con, cháu, chắt trong dòng họ xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 2 (1681) sau 46 năm khi Quận Công Trần Như Lân qua đời.
       Ngôi nhà 5 gian làm toàn bằng gỗ lim, mỗi vì kèo có 04 cột, cột cái có đường kính trên 30cm, tất cả các thân cột đều đặt trên các chân tảng bằng đá xanh, 3 mặt nhà thờ xây tường gạch, đằng trước là hệ thống cửa gỗ lim chạy suốt 05 gian có thể tháo lắp dễ dàng, mặt ngoài hai đầu hồi phía trên đắp hổ phù, đằng trước nằm sát phía đầu hồi là hai cột đồng trụ, tạo cho ngôi nhà thêm khang trang bề thế. Tất cả đều lợp bằng ngói nam. Bờ nóc phía hai đầu hồi đắp 2 con kim. Những biểu tượng này dễ cho mọi người thấy những nhân vật được thờ ở đây mang nhiều chất võ công hơn là văn trị.
       Tại nhà thờ Quận công còn có nhiều đồ thờ phong phú đa dạng bao gồm nhiều loại chất liệu như gỗ, kim loại quý, gốm sứ, đá, vải... Tất cả các đồ thờ bằng gỗ đều được sơn son thiếp vàn, ánh màu rực rỡ. Đạc biệt tại đây còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê. Đạo sắc sớm nhất là ngày 05-12-1769 (năm Vĩnh Tộ thứ 5). Phong chức Quận công tả đô đốc thiểu bảo, kiệt tiết công thần thượng trụ quốc Trần Như Lân. Đạo sắc phong cuối cùng cho Trần Như Tiệp (đời thứ 7 của dòng họ Trần Như Lân ngày 19-7-1769) năm Cảnh Hưng thứ 30).
      Tại nhà thờ còn có các văn bia, gia phả cách đây hơn 300 năm giúp nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử một thời đã qua của quê hương đất nước.
  
                  Bia đá cổ
       Qua các tài liệu còn lưu giữ và truyền thuyết trong vùng kể lại:
      Ông Trần Như Lân sinh năm 1563 tại lang Kim Lũ (nay là xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục) trong một gia đình nông dân nghèo. Bố đẻ mất sớm sống trong cảnh mẹ góa con côi, ông sớm có ý thức tự chủ để gánh vác mọi công việc của gia đình do người cha để lại. Từ các việc chăn trâu, kiếm củi làm thuê ông đều không quản ngại. Ông còn ham luyện tập võ nghệ và học hỏi nên đã giúp cho mình có trí rộng tài cao và sức khỏe phi thường. Mặc dù phải lao động vất vả nhưng gia đình vẫn nghèo đói không đủ tiền để nuôi mẹ già. Nghe có người nói ở kinh đô dễ kiếm sống ông đã đến để gánh nước thuê. Ông thường dùng loại kiệu (chum to) chứ không dùng thùng để gánh nước. Thấy quân lính luyện tập quá kém ông đã nói "ăn cơm vua, mặc áo chúa, suốt ngày luyện tập mà cái hồng tâm to bằng quả bưởi bắn mãi không trúng. Cưỡi ngựa còn để tuột cả dây cương". Nghe lời nói đó ông đã bị bắt giải lên quan trên, nhà vua liền bắt ra thử tài ông bắn 3 phát tên đều trúng hồng tâm. Rồi biểu diễn võ, đấu kiếm, đua ngựa được cả trường bắn nhiệt liệt hoan nghênh. Phục tài ông triều đình đã đưa ông vào quân ngũ.
     Trong lúc này tình hình đất nước rối ren, phân chia, lòng người ly tán, dân chúng lầm than bởi cuộc nội chiến liên miên. Nhà Lê đã dần dần tập hợp lực lượng, những người có tài đã ra nhập lực lượng. Vốn tính cứng rắn phong độ oai hùng Trần Như Lân đã hết lòng phò vua giúp nước an dân. Việc gì được giao cũng hoàn thành. Ông được xem như là rường cột quốc gia lúc đương thời. Được triều đình nhà Lê giao cho nhiều chức vụ quan trọng, ban thưởng nhiều sắc phong, sau khi ông mất còn 2 lần được truy tặng sắc phong vào các năm 1629 và 1653.
     Quận công Trần Như Lân có 05 người con trai và 05 con gái. Nối nghiệp cha cả 5 người con trai của ông đều trở thành những tướng tài giúp nhà Lê. Năm Vĩnh Tộ thứ 10 ngày 28-4-1628 Trần Như Phu con cả ông Trần Như Lân được phong tước Tín Quận Công và đặc cách nâng chức "Phụ quốc thượng tướng quân đô đốc - vì đã hết lòng phò vua giữ gìn cơ nghiệp quốc gia". Trần Như Phu còn có 02 người con trai là Trần Như Tài và Trần Như Phác cũng được phong tước hiệu Quận Công với tước hiệu Thắng Quận Công  (11-4-1629) và Kiên Quận Công (26-9-1659). Gia đình Trần Như Lân còn có 13 người được phong tước hầu.
     Qua nghiên cứu tìm hiểu ít có nơi nào tập trung một số lượng sắc phong thời Lê lớn như ở đây. Trải qua những biến đổi của thiên nhiên, thời tiết, và qua  cuộc kháng chiến, nhưng họ Trần Như vẫn giữ gìn bảo quản đầy đủ các đạo sắc phong cách đây gần 400 năm, đó là một khối tư liệu quý giá, không chỉ giúp ta tìm hiểu công huân của một dòng họ mà còn giúp ta nghiên cứu tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của dân tộc với nhiều biến cố.
     Đối với quê hương, Trần Như Lân và con cháu của người luôn mong muốn cho quê nhà đổi thay đi lên. ông và mọi người đã giúp để sửa chữa đình làng, chùa thờ phật, cải tạo mở rộng chợ Kim Lũ (Chợ Chủ) ông còn đắp đường xây cầu cống, lập bến đò cho nhân dân tiện đi lại, khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang để cải thiện đời sống, mua thêm đất cho dân làng cày cấy để lo việc chung. Đặt tên cho một số xóm và cánh đồng của làng xã. Tổ chức một số sinh hoạt thường niên của làng giáp.
     Từ những đóng góp thiết thực cho quê hương ông đã được nhân dân địa phương tôn kính và suy tôn làm phục thần làng ngay khi ông còn sống. Sau khi ông mất, hàng năm xuân thu, nhị kỳ khi làng mở hội, ông còn được hưởng tế lễ ở đình làng. Hiện tại chùa Ngọc Lũ còn có nhiều tượng các vị bồ hậu là các bậc phu nhân của dòng họ Trần Như do có nhiều đóng góp tiền bạc, ruộng đất trong các đợt tu sửa chùa nên được tạc tượng để thờ ( Có 06 pho tượng nữ).

  
                06 pho tượng
   Công đức của Trần Như Lân và con cháu đã được khái quát trong câu đối ở gian trung tâm nhà thờ.
            Khai quốc công cao thiên cổ trọng
           Thừa gia ẩm tục ngũ chi phương
   Tạm dịch.
        Công cao mở nước ngàn năm trọng vọng
            Nối nghiệp nhà phúc âm 5 cành sực nức hương thơm

         Theo truyền thống của dòng họ hàng năm có 2 ngày hội lớn là mồng 5 và mồng 6 tháng 11 âm lịch kỷ niệm mất của Trần Như Lân, con cháu xa gần ở mọi miền đất nước về dâng hương tưởng niệm và thăm viếng phần mộ tổ tiên.
      Nối tiếp truyền thống cho ông con cháu dòng tộc Trần Như luôn nêu cao tinh thần bảo vệ và xây dựng đất nước trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những người con của dòng họ đã sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc nhiều người đã hi sinh anh dũng, có gia đình cả chồng, con đều là liệt sĩ. Đối với quê hương các gia đình luôn chấp hành tốt các chính sách của nhà nước, có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương giàu đẹp.
        Ngày nay phát huy truyền thống tổ tiên, con cháu dòng tộc đã nỗ lực cố gắng thi đua lao động, học tập và công tác tốt, đã nhiều người vượt khó học giỏi, có gia đình con cháu cả chục người tốt nghiệp đại học. Nối nghiệp truyền thống thượng võ của tổ tiên, dòng tộc có hàng chục cán bộ cấp tá trong quân đội và công an, con cháu là vận động viên quốc gia thi đấu tại đấu trường quốc tế mang về cho Tổ quốc 02 huy chương vàng, 05 huy chương bạc và 03 huy chương đồng. Hàng năm nhiều con cháu đã trúng tuyển vào các trường đại học.
       Đây thực sự là những nỗ lực phấn đấu rất lớn của cả dòng tộc, của từng gia đình và mỗi thành viên con cháu. Hãy cố gắng sống xứng đáng với truyền thống tổ tiên con cháu nội ngoại tộc họ Trần Như đoàn kết một lòng thi đua xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Ngọc Lũ ngày càng giầu đẹp.
                        TIỂU BAN NGHIÊN CỨU BIÊN SOẠN LỊCH SỬ HỌ TRẦN NHƯ NĂM 2007