-
Thường trựcTrần Như Hoàng:
SĐT: 090 118 9135
Email: xangoclu@gmail.com
Đang Online : | 6 |
Tổng Lượt Online : | 1173594 |
Trống đồng Ngọc Lũ I
Là một trong những trống đồng Đông Sơn thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (vào khoảng thế kỷ VII – VI trước CN) tương đương thời đại Hùng Vương dựng nước. Trống này được xếp vào nhóm trống F.Heger I (theo phân loại khoa học về trống đồng của F.Heger, người Đức). Đây là trống cổ nhất, lớn nhất, tinh xảo, nhiều hoa văn khắc đẹp nhất, dáng trống cân đối và đẹp nhất so với tất cả các trống đồng đã được phát hiện ở Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Hiện được tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Xuất xứ.
Vào khoảng 1893 - 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê trấn thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (Lý Nhân, Hà Nam), thấy dưới độ sâu 2 mét của bãi cát bồi có một chiếc trống đồng. Các ông đem về cúng vào đình làng Ngọc Lũ, để khi có đình đám cúng tế thì mang ra đánh. Bảy, tám năm sau có một họa sĩ Pháp đến vẽ đình làng thấy trống, liền báo cho công sứ Hà Nam biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công sứ Hà Nam đã sớ về cho lý dịch làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam ngày nay), mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó, nhà Bác cổ Viễn đông Hà Nội đã mua lại với giá 550 đồng.
Tình trạng
Trống còn tương đối nguyên vẹn, có một lớp pa-tin màu xanh ngả xám.
Hình dáng.
Trống đồng Ngọc Lũ I, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. Trống có hình dáng cân đối, mặt trống hơi tràn ra ngoài tang trống. Trống có đường kính 79 cm, cao 63 cm. Thân trống có 3 phần:
- Phần trên phình ra gọi là tang, nối liền với mặt trống
- Phần giữa thân trống hình trụ tròn thẳng đứng
- Phần chân hơi loe thành hình nón cụt.
Có bốn chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng.
Hoa văn
Trống có hai loại hoa văn là hoa văn hình học và hoa văn người, động vật và đồ vật.
Hoa văn tại mặt trống.
Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình tam giác. Từ trong ra ngoài có tất cả 16 vành hoa văn đồng tâm bao bọc lấy nhau. Các vành 1, 5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Các vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3 là những chữ Description: int_{,}^{,}gẫy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16 là văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10 là vành có hình người, động vật diễu hành xung quanh ngôi sao và ngược chiều kim đồng hồ.
Hình người: Người có thể đang mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, có người thổi khèn, có người cầm giáo, cán giáo có trang trí lông chim. Hoặc có thể người đang quay mặt về phía nhà cầu mùa, xõa tóc, mặc váy hay có đôi trai gái đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày có trang trí lông chim.
Hình nhà: Có hình nhà liên quan đến nghi lễ tôn giáo, có mái hình cung, hai đầu là hai trụ đứng để chắn phên. Hoặc có nhà hình thang nóc cong lên như hình thuyền, hai đầu có hình chim mắt to, hai bên có cột chống đỡ. Nóc nhà có hai con chim đậu, một con trong giống hình chim công, một con trông giống hình gà trống...
Vành 8 gồm hai nhóm, mỗi nhóm có 10 con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp 6 con và một tốp 8 con. Cứ một con hươu đực thì đến một con hươu cái. Vành 10 gồm 36 con chim, 18 con chim đậu và 18 con chim đang bay. Chim bay là loại chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân dài, mình gầy thuộc loại cò, sếu hoặc vạc; chim đậu có nhiều loại. Con thì mỏ ngắn vênh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, phần đông là chim ngậm mồi. Các con chim đậu đều có đuôi ngắn. Ngoài những hoa văn trên, ở rìa mặt trống có một số vết lõm, đó là dấu vết của những con kê còn để lại khi đúc trống.
Hoa văn ở thân trống.
Phần trên cùng của tang trống là đoạn tiếp giáp với mặt trống có 6 vành hoa văn hình học, các vành 1 và 6 là những đường chấm nhỏ thẳng hàng, vành 2 và 5 là văn răng cưa, đỉnh quay về hai phía có những chấm nhỏ xem kẽ, vành 3 và 4 là hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song. Tiếp theo đoạn này là hình 6 chiếc thuyền, chuyển động từ trái sang phải, xen giữa các thuyền là hình chim đứng. Chim có từ 1 đến 3 con. Đứng giữa thuyền là người chỉ huy cầm trống đang điều khiển. Mũi thuyền có từ 1 đến 2 người tay cầm vũ khí như giáo hoặc rìu chiến, đó là những thủy binh đánh gần. Mỗi thuyền đều có một người cầm lái đầu đội mũ lông chim cao, tay lái có trang sức lông chim. Trên sàn thuyền có một người bắn cung, không đội mũ lông chim mà búi tóc, đó là những thủy binh đánh xa. Ngoài ra, trên khoảng giữa hai thuyền có một con chó đứng nghểnh mõm lên phía sàn giống như chó săn. Phần dưới của tang trống là ba vành hoa văn hình học.
Chân trống không có trang trí.
Trống đồng Ngọc Lũ II
Chiếc này do nhà bác cổ Viễn Đông mua tại Ngọc Lũ với giá 600 đồng Đông Dương. Trống còn nguyên vẹn, hiện đang lưu giữ tại viện bảo tang lịch sử Việt Nam. Trống có dáng thon cao, hoa văn chạm nổi, trang trí đơn giản nhưng trống vẫn cân đối và đẹp, đường kính mặt trống là 49,5cm, chiều cao là 39cm
Mặt trống chính giữa là hình ngôi sao nổi 12 cánh xen giữa các cánh sao là những họa tiết trang trí hình lông công đơn giản. Tất cả có 5 vành hoa văn: Vành một và vành là vòng tròn trám giữa có tiếp tuyến, vành 3 có hình 4 con chim mỏ dài, đuôi dài, có mào, bay ngược chiều kim đồng hồ, so với hình chim bay trên mặt trống được phát hiện năm 1903 thì hình chim bay ở đây đơn giản đi nhiều, vành 4 và 5 là những vạch ngắn song song. Rìa mặt trống còn để lại những vết lõm, dấu vết của những con kê khi đúc trống.
Thân trống ở tang và phần giữa của thân trống chỉ có một số hình hoa văn hình học như vạch thẳng song song và các đường chỉ trơn, riêng khoảng giữa thân trống có những băng hoa văn gạch chéo song song hình chữ nhật thẳng đứng. Trống có 2 đôi quai kép mảnh, trang trí vặn thừng.
Chân trống không có trang trí
Hai chiếc trống đồng được phát hiện ở làng Ngọc Lũ trước đây là thuộc loại I (theo phân loại của Hê-gơ một nhà nghiên cứu người Áo). Đây là những chiếc trống có hình dáng cân đối hài hòa, với hoa văn trang trí phong phú tuyệt mỹ đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến, đây là hiện vật độc đáo, tập trunng phong phú nhiều hình khắc hoa văn, phản ánh nhiều tình huống sinh hoạt của xã hội cũ. Có thể coi đây là nguồn sử liệu hiện vật quý giá nhất đối với việc nghiên cứu văn hóa cổ Việt Nam, đặc biệt là vào thời kỳ chưa có chữ viết. Nghiên cứu hiện vật này giúp tìm hiểu về đời sống vật chất sinh hoạt tinh thần và tổ chức xã hội của cư dân thời đại đồng thau và sơ kỳ đồ sắt của nước ta. Về mặt nghệ thuật trống đồng là một chứng nhận lịch sử nói lên tài năng sáng tạo tuyệt vời của những chủ nhân đã khai sinh ra nó. Chính vì tầm quan trọng như thế nên trống đồng đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà biên niên sử của nhiều giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.