-
Thường trựcTrần Như Hoàng:
SĐT: 090 118 9135
Email: xangoclu@gmail.com
Đang Online : | 1 |
Tổng Lượt Online : | 1173606 |
HÀ NAM
Hà Nam là tỉnh nằm ở phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.
Với địa thế gần thủ đô Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, địa hình đa dạng, giao thông thuận lợi, Hà Nam có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái,...
Từ lâu Hà Nam đã được nhiều người biết đến không phải chỉ vì đây là vùng đất đã sản sinh những anh hùng hào kiệt, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà còn vì đây là vùng đất khá đặc biệt, mang những nét đặc sắc của làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chịu khuất phục trước những khó khăn do thiên tai gây ra, từ bao đời nay, những người dân nơi đây đã biết đoàn kết nhau lại để chống lại lũ lụt, tiến hành sản xuất, gây dựng cuộc sống, duy trì và phát triển vùng đất này.
Thực hiện đường lối đổi mới, trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh (ngày 1-1-1997), kinh tế - xã hội Hà Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. GDP tăng trưởng bình quân 9%/năm (giai đoạn 2000 - 2004), cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực.
Hiện nay, Hà Nam đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư quan trọng về công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như du lịch. Nhiều dự án hứa hẹn chiều hướng phát triển tốt.
Tuy nhiên, với khát vọng thoát nghèo, đưa Hà Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, thì còn nhiều việc cần giải quyết cả về mặt chủ trương, chính sách cũng như về điều kiện vật chất. Để các dự án phát triển kinh tế của tỉnh trở thành hiện thực, Hà Nam rất mong có được sự hợp tác, đầu tư của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.
Hà Nam là vùng đất cổ thuộc trấn Sơn Nam - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Từ lâu, Hà Nam nổi danh về truyền thống hiếu học, khoa bảng với những tên tuổi làm rạng danh nền văn hiến đất Việt như: Trương Hán Siêu, Trần Thuấn Du, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao,... Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, Hà Nam là nơi phát tích của trống đồng Ngọc Lũ, nơi khởi nguồn của lễ hội vật võ Liễu Đôi, điệu hát dậm Quyển Sơn cùng nhiều sản vật nổi tiếng (chuối ngự Đại Hoàng, hồng không hạt Nhân Hậu) và nhiều thắng cảnh làm say đắm lòng người như: Ngũ Động Sơn, Kẽm Trống, núi Ngọc, chùa Bà Đanh,...
Không những thế, Hà Nam còn là mảnh đất cách mạng kiên cường với tiếng trống khởi nghĩa Bồ Đề (tháng 10-1930), phong trào thi đua; Hai tốt trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975). Trong đó, nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú như: Lương Khánh Thiện, Trần Tử Bình, Nguyễn Hữu Tiến,... đã làm rạng danh mảnh đất Hà Nam.
Phát huy truyền thống văn hóa - cách mạng tốt đẹp đó, trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (ngày 1-1-1997), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã không ngừng vượt mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên xây dựng Hà Nam phát triển ngày một vững mạnh. Vùng đất quanh năm chiêm khê, mùa thối xưa kia, giờ đang thay da đổi thịt đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Một số thông tin tổng quan về
điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Hà
1. Vị trí địa lý
Hà Nam thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trên tọa độ 200 vĩ độ bắc và giữa 1050 - 1100 kinh độ đông. Nằm ở phía tây nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, Hà Nam cách thủ đô Hà Nội 58 km về phía nam, cửa ngõ phía nam của thủ đô. Phía bắc giáp Hà Nội, phía đông giáp tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía nam giáp tỉnh Nam Định và Ninh Bình, phía tây giáp Hoà Bình.
Với vị trí địa lý vừa gần kề với các tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vừa kết nối với các tỉnh miền núi tây bắc của đất nước, đồng thời là địa bàn chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế - lãnh thổ, Hà Nam có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đặc biệt, sự phát triển của giao thông - vận tải và sự mở rộng của thị trường đã hình thành không gian kinh tế mở với những lợi thế về giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, tạo cho Hà Nam có những lợi thế so sánh về thị trường để khai thác có hiệu quả nguồn lực bên trong và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
2. Đất đai, địa hình
Với diện tích tự nhiên hơn 851,7 km2 đất đai và địa hình Hà Nam tương đối đa dạng. Phía tây của Hà Nam là vùng đồi núi bán sơn địa với các dãy núi đá vôi, núi đất và đồi rừng. Xuôi về phía đông là vùng đồng bằng được bồi tụ bởi sông Hồng, sông Đáy, sông Châu. Nhìn chung, với 2 loại địa hình đồng bằng và đồi núi, đất ở đây có độ phì trung bình, Hà Nam có nhiều lợi thế trong canh tác các loại cây trồng thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, mở rộng diện tích đồng cỏ chăn nuôi, cây rừng đa tác dụng với các hệ thống canh tác có tưới hoặc không tưới.
Song do quá trình kiến tạo địa chất và biến đổi địa hình của đồng bằng sông Hồng, nên Hà Nam có nhiều vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng và bị chua phèn, không thuận tiện cho canh tác nông nghiệp.
3. Khí hậu, thuỷ văn
Hà Nam có điều kiện thời tiết, khí hậu, thuỷ văn mang nét đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,4 0C, trong đó 8 - 9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20 0C và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưới 20. 0C (nhưng không tháng nào nhiệt độ trung bình dưới 16 0C). Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.900 mm, phân bố không đều, khoảng 70% tập trung vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 9. Độ ẩm trung bình năm là 85%, trong đó tháng có độ ẩm trung bình cao nhất là 90,5% (tháng 3), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất là 81% (tháng 7).
Hà Nam có nhiều hệ thống sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu,.. cùng một số hồ, đập, đảm bảo cung cấp nước cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân
Với đặc điểm khí hậu, thuỷ văn trên, Hà Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp sinh thái đa dạng với nhiều loại động, thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của khí hậu, thuỷ văn ở Hà Nam là mùa khô thiếu nước và mùa mưa thường bị bão, gây ngập úng.
4. Tài nguyên
Ngoài tài nguyên đất, Hà Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, đa dạng với trữ lượng hàng tỷ tấn, chủ yếu là các loại đá dùng làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vôi, sản xuất bột nhẹ và sản xuất vật liệu xây dựng; các loại đá quý có vân màu phục vụ ngành xây dựng, trang trí nội thất và làm đồ mỹ nghệ; các mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói, đồ gốm, xi măng; các mỏ than bùn, cát,... Phần lớn các tài nguyên khoáng sản phân bố tập trung ở phía tây của tỉnh (thuộc các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm). Một số khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố gần các trục giao thông đường thuỷ, đường bộ, rất thuận tiện cho khai thác, chế biến quy mô công nghiệp và sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu cho những ngành công nghiệp truyền thống và thế mạnh của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng.
Cùng với tài nguyên khoáng sản, địa hình và điều kiện tự nhiên đa dạng đã tạo cho Hà Nam có nhiều cảnh quan và quần thể tự nhiên đẹp, thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh, nghỉ ngơi, điều dưỡng sức khoẻ và du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học. Ngũ Động Sơn, núi Cấm ở Thi Sơn; động Khả Phong, hồ Tam Chúc, dốc Ba Chồm ở Kim Bảng; cảnh quan thiên nhiên ở Đọi Sơn - Điệp Sơn (Duy Tiên); Kẽm Trống - núi Tiên ở Thanh Liêm; hệ sinh thái nông nghiệp ở Bình Lục, Lý Nhân,... là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng quý giá để phát triển ngành du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
5. Kết cấu hạ tầng
Về hệ thống giao thông: trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngoài các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 21A, 21B và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, còn có các tuyến giao thông đường thuỷ trên sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, thuận lợi cho giao thông nội địa và giao lưu hàng hoá với các tỉnh, thành phố trong vùng. Mạng lưới giao thông nội tỉnh và giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng với hơn 4.000 km. Trong tương lai không xa, khi trục quốc lộ 1A được nâng cấp, tuyến hành lang kinh tế đường 21: Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn được hình thành, cầu Yên Lệnh thông sang Hưng Yên, tuyến "xa lộ Bắc Nam" được xây dựng,... sẽ càng tăng cường khả năng giao lưu, hợp tác giữa Hà Nam với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước.
Mạng lưới chuyển tải, phân phối điện được nâng cấp và mở rộng đến hầu hết các thôn, xã. Cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông và thông tin liên lạc phát triển nhanh và đang từng bước hiện đại hoá. Các ngành dịch vụ, thương mại, tài chính, tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của các lĩnh vực này và nhu cầu sử dụng các loại hình dịch vụ của dân cư, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Về kết cấu hạ tầng xã hội: Hà Nam là một trong những địa phương có mạng lưới y tế, giáo dục - đào tạo và phúc lợi xã hội phát triển. Đến năm 2002, toàn tỉnh có 86% trường tiểu học, 85% trường trung học cơ sở và 100% trường trung học phổ thông được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Ngoài ra, Hà Nam còn có 01 trường cao đẳng, 03 trường trung học dạy nghề và 03 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn học sinh.
6. Kinh tế - xã hội
Tổ chức hành chính: Hà Nam được tách ra từ tỉnh Nam Hà vào ngày 1-1-1997, bao gồm 01 thành phố (Phủ Lý) và 5 huyện (Duy Tiên, Thanh Liêm, Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục), trong đó thị xã Phủ Lý giữ vai trò là tỉnh lỵ.
Kinh tế: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 9,05%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2005, tỷ trọng nông nghiệp - lâm - thủy sản chiếm 28,41%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39,66% và dịch vụ chiếm 31,93% GDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010, Hà Nam sẽ hình thành cơ cấu kinh tế với tỷ trọng tương ứng 22,3% - 49,4% - 28,3%.
Dân số và lao động: đến năm 2002, dân số của Hà Nam là 813.978 người, mật độ dân số 956 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,05%/năm, trong đó có 473.828 người (chiếm 58,2% dân số) trong độ tuổi lao động. So với các tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nam có dân số không đông, lực lượng lao động không lớn, song điểm nổi trội của cư dân và lao động Hà Nam là truyền thống lao động cần cù, trình độ văn hóa khá cao, có khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất và đời sống.
Nhằm giúp các địa phương trong cả nước cũng như các đối tác gần xa hiểu thêm về mảnh đất, con người và tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Công ty Cổ phần Thông tin Kinh tế Đối ngoại (FEI) xuất bản cuốn sách; Hà Nam - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI; (Ha Nam - New Image in century XXI).